Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết việc cho người dân lấy mẫu tại nhà hoặc tự lấy mẫu ở nhà sẽ giúp giảm nguồn lực y tế, tránh việc lây lan khi lấy mẫu từng xảy ra ở một số nơi.
Ngày 23/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng một số thành viên trong đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến một số điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP Thủ Đức để hướng dẫn người dân tự làm test nhanh tại nhà.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hướng dẫn người dân làm xét nghiệm Covid-19
Thứ trưởng Sơn cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành những quyết định, chỉ thị, công điện đối với tình hình mới, TPHCM cũng đã xác lập trạng thái mới trong vòng một tháng từ ngày 15/8 đến ngày 15/9. Vì thế, việc sử dụng xét nghiệm để phát hiện cho bằng được các F0 trong cộng đồng là hết sức quan trọng. Để làm được việc này phải tổ chức một lượng xét nghiệm rất lớn.
Bài Viết Liên Quan
- Sự thật bất ngờ: Uống quá nhiều nước khiến da xỉn màu
- Hướng dẫn sơ cứu ngộ độc thực phẩm tại nhà
- Nghe mẹ chồng dọa, sản phụ không dám gội đầu để rồi cơ thể bốc lên mùi nồng nặc vì mắc bệnh sau sinh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp hướng dẫn người dân tự xét nghiệm Covid-19 (Ảnh: Bộ Y tế).
Theo ông, bên cạnh việc chuẩn bị các bộ test kit, hệ thống để chạy xét nghiệm RT-PCR thì việc tổ chức hướng dẫn người dân lấy mẫu tại nhà hoặc tự lấy mẫu ở nhà là rất quan trọng.
“Trước hết, điều này sẽ giúp giảm nguồn lực y tế, chỉ cần đội ngũ giám sát và tình nguyện viên để hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó, trong thời gian trước, việc lây lan F0 trong khi lấy mẫu đã xảy ra ở một số nơi do chưa đảm bảo điều kiện sát khuẩn. Vì thế, việc người dân tự lấy mẫu cũng sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện test diện rộng”, Thứ trưởng Sơn chia sẻ.
Thứ trưởng hy vọng, với sự tham gia tự nguyện của người dân lấy mẫu cùng với sự theo dõi, giám sát hỗ trợ của ngành y tế, hoạt động này sẽ đảm bảo tiêu chí về mặt kỹ thuật cũng như số lượng lấy mẫu sẽ tăng lên nhiều lần so với trước đây.
Theo các chuyên gia, việc cho người dân tự xét nghiệm tại nhà sẽ giúp làm giảm số lượng công việc của nhân viên y tế (Ảnh: Bộ Y tế).
GS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên đoàn công tác Bộ Y tế tại TPHCM cũng cho biết biến chủng lần này của virus SARS-CoV-2 khiến khả năng lây nhiễm trong cộng đồng rất lớn. Nếu người dân tự kiểm soát được khả năng nhiễm của mình sẽ hết sức tốt.
“Nếu người tự làm được test này sẽ giúp bảo vệ cho chính họ, họ có thể kiểm soát được họ có thể bị nhiễm hay không. Đồng thời, giảm áp lực cho nhân viên y tế”, TS Mai chia sẻ.
Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý việc để người dân tự xét nghiệm là rất cần thiết với tình hình dịch tại TPHCM hiện nay nhưng việc sử dụng test này phải có sự quản lý của nhân viên y tế.
Các nhân viên y tế, tình nguyện viên sẽ hỗ trợ người dân khi tự xét nghiệm Covid-19 (Ảnh: Bộ Y tế).
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết TP đang thực hiện công tác xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 còn trong cộng đồng, kịp thời đưa đi các cơ sở tiếp nhận điều trị hoặc cách ly tại nhà và có hướng dẫn y tế phù hợp tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.
“Với nguồn lực nhân viên y tế có hạn nên chúng tôi rất cần sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là người dân tự làm xét nghiệm, nhân viên y tế có vai trò giám sát, hướng dẫn sau đó đọc kết quả. Trong trường hợp phát hiện ca dương tính sẽ kịp thời xử lý”, ông Tùng nói.
Theo đó, đầu tiên người dân sẽ được làm test nhanh, trường hợp dương tính sẽ tiếp tục được làm xét nghiệm PCR để khẳng định, từ đó có hướng giải quyết phù hợp.
Clip Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói 10 việc cần làm với F0, F1 cách ly ở nhà
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa gửi đến tất cả người dân được xác định là F0, F1 (không triệu chứng, không bệnh nền) 10 khuyến cáo đáng lưu ý cần thực hiện khi cách ly y tế tại nhà.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ 10 khuyến cáo dành cho F0, F1 (không có triệu chứng, không có bệnh nền) cách ly tại nhà – Video: Bộ Y tế
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM – khuyến cáo khi được xác định là người mắc COVID-19 (F0) hoặc người tiếp xúc gần (F1), mọi người phải có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và người thân cũng như cộng đồng.
Để làm được những điều này, ông khuyến cáo người dân thực hiện theo những hướng dẫn sau:
1. Chuẩn bị khu vực cách ly cho bản thân trong nhà với điều kiện có phòng riêng (hoặc 1 khu vực riêng biệt), có nhà vệ sinh riêng, lấy số điện thoại của cơ sở y tế, nhân viên y tế được phân công theo dõi, số điện thoại của bác sĩ tư vấn và chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu cần thiết như sau:
Dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt.
Nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%).
Khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng.
Một số loại thuốc thiết yếu (thuốc hạ sốt và một số loại thuốc nâng cao sức khỏe đông tây y (vitamin C, multivitamin).
1 bàn, ghế cá nhân đặt trước cửa phòng và khu vực cách ly để nhận tiếp tế nhu yếu phẩm từ gia đình và cán bộ y tế chuẩn bị cho mình.
Thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm.
2. Mở cửa sổ tạo không khí thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa.
3. Thực hiện đeo khẩu trang thường xuyên trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang 2 lần/ngày (khử khuẩn bằng cồn trước khi bỏ khẩu trang).
4. Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc (mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…).
5. Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Ghi chép nhiệt độ và báo cáo cho nhân viên y tế hằng ngày.
6. Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
7. Uống nhiều nước, bổ sung vitamin và khoáng chất thường xuyên.
8. Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút/ngày.
9. Yêu cầu nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm sau 7 ngày cách ly.
10. Khi có một trong các dấu hiệu sau bạn cần gọi cho nhân viên y tế ngay lập tức:
– Sốt> 37.5 o C
– Ho, đau họng
– Tiêu chảy
– Khó thở (khi bạn không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây)