Trong hơn 500 bệnh nhân Covid điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, khoảng 20,5% đã tiêm một mũi vaccine cách thời điểm phát hiện bệnh dưới 4 tuần; 3,8% tiêm đủ hai mũi.
Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó giám đốc Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, cho biết khảo sát của bệnh viện cho thấy 3,8% F0 tại đây đã tiêm đủ hai mũi vaccine nhưng mũi thứ hai cũng chưa đáp ứng miễn dịch đầy đủ, tức chưa đủ ít nhất 15 ngày sau tiêm mũi hai.
“Người tiêm mũi một dưới 4 tuần chưa đủ thời gian tạo kháng thể nên tỷ lệ nhiễm cao. Trường hợp tiêm đủ hai mũi, tỷ lệ mắc Covid-19 thấp hơn rất nhiều”, bác sĩ Ân phân tích. Nghiên cứu cũng cho thấy tại Bệnh viện 175, các F0 đã tiêm vaccine có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với người không tiêm.
Thiếu tướng, phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, nhận định: “Điều quan trọng là mốc thời gian từ lúc tiêm vaccine cho đến lúc mắc bệnh, nếu chưa đủ thời gian cơ thể tạo kháng thể sau tiêm thì nguy cơ nhiễm bệnh vẫn rất lớn”. Ông Sơn cũng cho rằng bệnh nhân đã tiêm đủ hai liều, hiệu quả bảo vệ của vaccine rất lớn, tránh nguy cơ chuyển nặng.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 nhập viện sau tiêm một mũi vaccine, hoặc tiêm hai mũi nhưng chưa đủ bốn tuần. Tuy nhiên, hiện bệnh viện chưa có thống kê cụ thể số lượng này.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, người chích một mũi vaccine, cơ thể mới bắt đầu tạo kháng thể nhưng chưa đủ bảo vệ, do đó nguy cơ mắc bệnh, trở nặng vẫn không khác nhiều so với người chưa tiêm.
“Người chích hai mũi, nếu không đủ 4 tuần, vẫn có khả năng cao mắc bệnh, khả năng diễn tiến nặng vẫn xảy ra, đặc biệt là những người có bệnh nền”, bác sĩ Hùng nói và cho rằng “hiệu quả bảo vệ còn tùy thuộc từng loại vaccine khác nhau”. “Không nên chủ quan sau tiêm vaccine”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau khi tiêm đủ liều vaccine Covid-19, cơ thể cần một vài tuần để sinh ra miễn dịch. Một số trường hợp có thể mắc bệnh trong thời gian cơ thể đang tạo đầy đủ miễn dịch. Không có loại vaccine nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Một số ít người đã tiêm vẫn có thể mắc bệnh, nhưng bệnh thường nhẹ, không diễn biến nghiêm trọng hoặc t.ử v.ong.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tại họp báo hồi giữa tháng 8, nhận định vaccine được tiêm vào trong cơ thể sẽ tạo ra kháng thể trung hòa với virus, kháng thể này được tạo ra từ tuần lễ thứ hai sau khi tiêm.
Theo bác sĩ Châu, không có loại vaccine nào ngăn chặn 100% virus, nhưng kháng thể từ vaccine sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào các tế bào, làm giảm quá trình gây tổn thương tế bào các cơ quan trong cơ thể, ngăn chặn quá trình gây bệnh lý… Do đó, những người đã tiêm vaccine, có kháng thể bảo vệ thì khả năng mắc Covid-19 sẽ giảm, nếu có mắc cũng triệu chứng nhẹ, ít khả năng tăng nặng và t.ử v.ong.
“Nhiều người nghĩ rằng tiêm hai mũi vaccine sẽ không mắc Covid-19, là sai lầm”, bác sĩ Châu nói. Theo bác sĩ Châu, thời gian qua ghi nhận tại Việt Nam và trên thế giới có nhiều trường hợp đã tiêm đủ hai mũi vaccine nhưng vẫn mắc Covid-19, bởi các biến chủng virus ngày càng mạnh hơn và có thể có khả năng kháng vaccine.
Bác sĩ Châu phân tích, vaccine giúp giảm mức độ nặng của bệnh chứ không phải 100% không mắc bệnh. Vì vậy, dù đã tiêm vaccine, người dân vẫn nên thực hiện nghiêm quy định 5K và giãn cách để tránh tình trạng lây nhiễm.
Tính đến ngày 29/8, TP HCM đã tiêm hơn 5,8 triệu liều vaccine, trong đó hơn 6,1 triệu người tiêm mũi một, 332.219 người tiêm mũi 2. Số người trên 65 t.uổi, người có bệnh nền được tiêm là 638.786.
Bài Viết Liên Quan
- Liệt vĩnh viễn tay phải do sơ suất của y tá trong lúc hiến m.áu
- Nỗi khổ mang tên chóng mặt
- Cách phân biệt giữa triệu chứng Covid-19 và phản ứng sau tiêm vắc xin
Nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine cho người dân ở TP HCM, ngày 15/8. Ảnh: Thành Nguyễn
TP HCM lấy mẫu đơn toàn bộ người dân ở ‘vùng đỏ và cam’
Toàn bộ người dân trong vùng cam và vùng đỏ sẽ làm xét nghiệm nhanh mẫu đơn trong 14 ngày tới thay vì mẫu gộp bằng phương pháp RT-PCR như kế hoạch trước.
Nội dung trên được đề cập trong văn bản điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm ở TP HCM do Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Minh Châu ký ngày 22/8. Động thái này được triển khai sau khi Thủ tướng có công điện yêu cầu “thần tốc” lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong thời gian giãn cách tại TP HCM.
Theo đó, ngành y tế sẽ làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
Trong kế hoạch trước đó, tại các vùng nguy cơ – “vùng vàng” TP HCM dự kiến thực hiện xét nghiệm theo nguyên tắc “ngẫu nhiên, có trọng điểm” bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5) đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ các hộ gia đình để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”.
Người dân TP HCM xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp), ngày 6/7.
Tại các khu phong tỏa, thành phố tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo hộ gia đình. Với nơi ngoài khu vực phong tỏa, cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm nCoV; tùy điều kiện thực tế, thực hiện giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư nhiều yếu tố lây nhiễm theo phương pháp RT-PCR mẫu gộp hộ gia đình hoặc xét nghiệm nhanh.
Việc xét nghiệm cho người dân ở “vùng đỏ” và “vùng vàng” theo kế hoạch mới sẽ bắt đầu từ ngày 23/8 và hoàn thành sau 3 ngày, sau đó lặp lại xét nghiệm lần 2. Toàn bộ 312 phường, xã, thị trấn ở TP HCM có hơn 25.000 tổ dân phố, tổ nhân dân, nếu phân theo vùng nguy cơ thì có gần 3.100 tổ nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và gần 2.000 tổ nguy cơ cao (vùng cam).
Các Trung tâm y tế quận, huyện phân công các đội xét nghiệm, trong đó mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, tổ nhân dân, cấp phát sinh phẩm xét nghiệm (test) kháng nguyên nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm. Việc cấp test nhanh kháng nguyên đến cho người dân phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc ban quản lý khu phố, ấp…
Trường hợp người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm, đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình. Sau 30-60 phút, nhân viên đội xét nghiệm quay lại nhận kết quả từ người dân, đọc kết quả, ghi nhận những trường hợp có kết quả dương tính vào danh sách. Đội xét nghiệm tổng hợp, lập danh sách kết quả các trường hợp dương tính theo biểu mẫu đính kèm và gửi về trung tâm y tế địa phương.
Đối với những trường hợp dương tính thì xử lý như trường hợp ca F0 theo hướng dẫn của ngành y tế về xử lý ca khẳng định.
Trước đó, UBND thành phố đã yêu cầu tại các “vùng đỏ” và “vùng cam” đội tiêm vaccine di động đến tận nhà dân để tiêm; tổ chức đội tiêm ở địa điểm phù hợp, bên trong hoặc sát khu phong tỏa, mời từng hộ ra tiêm. Tại khu chung cư, việc tổ chức tiêm phối hợp Ban quản lý chung cư, mời tuần tự các hộ cùng tầng ra tiêm, có thể tổ chức vào buổi tối. Các đội tiêm và phục vụ tiêm phải được trang bị đầy đủ thiết bị, quần áo bảo hộ.
Cũng theo văn bản được UBND thành phố ban hành hôm nay, các khu vực còn lại việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng sẽ thực hiện như kế hoạch cũ ban hành ngày 15/8 của UBND TP HCM tức là sẽ lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (10) đại diện hộ gia đình tại các tổ dân phố, tổ nhân dân thuộc “vùng xanh” và “cận xanh” với tần suất 2 lần, cách nhau 7 ngày.
Khu vực được xem là vùng sạch dựa vào tiêu chí xét nghiệm và các điều kiện: không có trường hợp dương tính sau 2 lần xét nghiệm hoặc có F0 nhưng nồng độ virus thấp, ít lây lan; tỷ lệ tiêm chủng đạt 50% đối với nhóm người trên 18 t.uổi; có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.
Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt mục tiêu sẽ kiểm soát dịch tại TP HCM trước ngày 15/9. Đến sáng nay, TP HCM đã ghi nhận 171.801 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư và trải qua 43 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Từ 0h ngày 23/8, TP HCM yêu cầu người dân thực hiện triệt để giãn cách theo nguyên tắc “ai ở đâu yên đó”, chỉ có 11 nhóm công việc được cấp giấy ra đường.