Cô gái chưa lập gia đình, 3 năm gần đây không có kinh nguyệt. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán cô bị suy buồng trứng sớm.
Cô gái trẻ sinh năm 1996, bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt từ năm lớp 7. Thời gian đầu, cứ 3-4 tháng, cô mới có kinh một lần. Từ 22 tuổi, khoảng cách giữa các kỳ kinh của cô dài hơn (6 tháng). Ba năm gần đây, cô gái hoàn toàn không có kinh nguyệt.
Bác sĩ Phan Chí Thành, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), cho biết khi khám cho cô gái này cách đây ít ngày, ông rất bất ngờ vì cô “không còn bất kỳ một quả trứng nào” vì bị suy buồng trứng .
“Siêu âm, xét nghiệm, buồng trứng cô gái 27 tuổi chưa chồng như một phụ nữ mãn kinh 50 tuổi. Cơ hội mang thai của cô gái gần như chỉ có thể còn cách xin trứng của người khác” – bác sĩ Thành nói.
Suy buồng trứng sớm là nguyên nhân chủ yếu gây vô sinh ở phụ nữ, thường gặp ở độ tuổi 40-50. Tuy nhiên, trường hợp chị em bị suy buồng trứng sớm từ khi mới ngoài 20 hiện nay không hiếm.
Theo bác sĩ Thành, kinh nguyệt là tấm gương phản chiếu sức khỏe của phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều chị em rất chủ quan với bất thường kinh nguyệt.
Hai khả năng có thể xảy ra khi kinh nguyệt không đều. Thứ nhất là suy buồng trứng, như trường hợp của bệnh nhân trên. Khả năng thứ hai, phổ biến hơn, là do rối loạn rụng trứng.
BS Thành cho hay nhiều nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng sớm ở các bạn trẻ, trong đó bao gồm một số bệnh lý như di truyền; tự miễn; chức năng gan, thận kém.
Bên cạnh đó, việc chị em thường xuyên căng thẳng cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng buồng trứng. “Nhiều người nghĩ, khi bắt đầu hành kinh, chu kỳ lệch vài tháng là chuyện bình thường, nhưng điều đầu tiên cần làm là phải đi khám bác sĩ. Thầy thuốc sẽ cho biết tài sản sinh sản của bạn gái đó còn tốt hay không?”, bác sĩ Thành nói.
Với phụ nữ trẻ bị suy buồng trứng sớm, bác sĩ phải cảnh báo ngay cho bệnh nhân hiện trạng sức khỏe và số lượng trứng. Nếu không kết hôn sớm, bệnh nhân cần đi trữ trứng để kịp bảo tồn chức năng sinh sản.
– Rối loạn kinh nguyệt trong một thời gian dài khiến lượng kinh nguyệt không ổn định, bên cạnh đó trạng thái cũng như màu sắc kinh có sự thay đổi.
– Thường xuyên bị chóng mặt, buồn nôn đặc biệt là mất ngủ giữa đêm.
– Giảm ham muốn tình dục, luôn né tránh việc quan hệ tình dục.
– Da có dấu hiệu nhăn nheo, ngực nhão và xệ.
– Âm đạo bị khô và đau rát khi quan hệ tình dục.