Clostridium botulinum là gì? Lưu lượng nhỏ độc tố botulinum gây ngộ độc thực phẩm để lại hậu quả khôn lường

GĐXH – Độc tố botulium được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí. do botulinum để lại nhiều hậu quả khôn lường, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

1 người tử vong, 10 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm do nhiễm Clostridium botulinum

Mới đây, 10 người ở Quảng Nam bị ngộ độc thực phẩm do ăn cá chép muối ủ chua.

Thông tin ban đầu cho biết, chùm ca bệnh thứ nhất 5 người, gồm: 3 nữ, 2 nam ở xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cả 5 người cùng ăn món cá chép muối ủ chua vào ngày 5/3/2023. Sau khi ăn, tất cả đều có triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt, yếu dần tay chân và phải nhập Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam. Sau 3 ngày điều trị, 1 ca bệnh nhân nữ 40 tuổi đã tử vong, 4 ca còn lại tình trạng hiện tại tạm ổn.

Chùm ca bệnh thứ hai là bệnh nhân nữ, sinh năm 1986, ở xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bệnh nhân ăn cá chép muối ủ chua vào ngày 14/3/2023. Sau 1 ngày, bệnh nhân nôn ói nhiều, yếu dần tay chân, phải nhập Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam. Đến ngày 16/3/2023, bệnh nhân suy hô hấp, thở máy đến nay.

Chùm ca bệnh thứ ba là 4 người trong cùng một gia đình, gồm 3 nam, 1 nữ ở xã Phước Kiên, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ngày 16/3/2023 cả gia đình ăn cá chép muối ủ chua, đến 17/3/2023 nôn ói nhiều, mệt, nhập Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam. Đến ngày 18/3/2023, 2 bệnh nhân liệt tứ chi, suy hô hấp, phải thở máy, 2 bệnh nhân còn lại (1 bé trai 12 tuổi và 1 nữ 24 tuổi) mệt đừ, yếu nhẹ tứ chi, sức cơ 4/5-5/5, tự thở được.

Clostridium botulinum là gì? Lưu lượng nhỏ độc tố botulinum gây ngộ độc thực phẩm để lại hậu quả khôn lường - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Ảnh: SKĐS

Viện Pasteur Nha Trang, Khánh Hòa đã có kết luận chính thức nguyên nhân nhiều người dân huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam ngộ độc thực phẩm do ăn cá chép ủ chua, dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn và điều trị tích cực cho bệnh nhân. Với chẩn đoán trên, 3 bệnh nhân nặng đang thở máy (1 nữ, 2 nam) được chỉ định dùng ngay thuốc giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum.

Clostridium botulinum gây ngộ độc thực phẩm là gì?

Clostridium botulinum (vi khuẩn gây ngộ độc thịt) thuộc chi Clostridium, là những trực khuẩn Gram dương, kỵ khí, sinh nha bào và tiết ra độc tố rất mạnh. Vi khuẩn có nha bào tồn tại nhiều trong đất, không khí, nước biển, ruột hải sản, chịu được điều kiện đun sôi 100 độ C ở điều kiện 1atm trong vài giờ.

Độc tố botulinum chia làm 7 type A, B, C, D, E, F, G. Chỉ các ngoại độc tố type A, B, C, D, E, F gây bệnh ở người. Vi khuẩn sản xuất ngoại độc tố khi phát triển trong môi trường nuôi cấy kỵ khí hoặc trong thực phẩm có điều kiện kỵ khí. Khả năng sinh độc tố tương đối cố định ở type A, B, ở các type khác khả năng sinh độc tố thay đổi.

Độc tố của Clostridium botulinum bản chất là protein, có ái lực cao với tổ chức thần kinh.

Các thực phẩm có nguy cơ sản sinh độc tố botulinum gây ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực. Là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, vượt quá liều lượng cho phép các chất bảo quản, chất phụ gia… 

Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau vài ngày; trong trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Các thực phẩm có nguy cơ sản sinh độc tố botulinum

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, độc tố botulinum là cực độc. Độc tố này chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong, có thể coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay.

Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là loại ngộ độc kinh điển trong y văn nhưng trên thực tế xảy ra không thường xuyên, yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên việc chẩn đoán xác định rất khó khăn.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, nguyên nhân của loại ngộ độc này là xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (chai, lọ, lon, hộp, túi) không đảm bảo an toàn dẫn tới có mặt một số loại vi khuẩn phát triển và sinh độc tố gây bệnh.

– Vi khuẩn thủ phạm: Phổ biến là vi khuẩn Clostridium botulinum, còn gọi là vi khuẩn độc thịt (vì ban đầu xảy ra chủ yếu với thịt hộp). Vi khuẩn này tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và có thể lẫn trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm. Lúc này vi khuẩn ở dạng có vỏ bọc chịu đựng tốt với đun nấu thông thường (gọi là bào tử).

Vi khuẩn có đặc điểm kỵ khí (chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí), không phát triển được trong môi trường chua (pH<4,6), mặn (nồng độ muối ăn >5%).

Như vậy, các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn (quy trình sản xuất không đảm bảo sạch), sau sản xuất thực phẩm được đóng gói kín như chai, lọ, hộp, lon, túi, trong khi đó không đủ độ chua, độ mặn như trên thì rõ ràng tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum.

– Loại thực phẩm có nguy cơ: Cổ điển là thịt hộp, tuy nhiên các vụ ngộ độc cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản… khi được sản xuất để lẫn bào tử vi khuẩn, đóng gói kín không đảm bảo đủ điều kiện ngăn chặn vi khuẩn phát triển theo quy định (ví dụ độ chua, độ mặn như trên), đặc biệt sản xuất thủ công, tại gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

Ở Thái Lan đã xảy ra ngộ độc loại này do lọ măng, ở Trung Quốc do đậu lên men, ở Việt Nam ngộ độc pate chay… Xu hướng ngộ độc đang tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước khi ăn…

Clostridium botulinum là gì? Lưu lượng nhỏ độc tố botulinum gây ngộ độc thực phẩm để lại hậu quả khôn lường - Ảnh 2.

Vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc thực phẩm.

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc thực phẩm do độc tố botulium là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum:

Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón.

Chướng bụng, đau bụng.

Liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp.

Với mức độ nhẹ, triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ người bệnh có thể chỉ mệt mỏi, mỏi cơ tương tự như suy nhược cơ thể, không làm được các động tác gắng sức bình thường… Nhưng nếu nhiễm độc mức độ nặng, bệnh tiến triển nhanh, người bệnh có thể liệt tất cả các cơ dẫn đến ứ đọng đờm dãi, suy hô hấp, gây ngừng thở dẫn đến tử vong.

Phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất, không có rối loạn cảm giác.

Chẩn đoán ngộ độc thực phẩm

Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng, yếu tố dịch tễ.

Chẩn đoán phòng xét nghiệm ít có giá trị. Phòng xét nghiệm có thể xác định độc tố bằng các phương pháp: quang phổ khối, phản ứng trung hòa trên chuột hoặc phương pháp điện di trường xung trên thạch.

Clostridium botulinum là gì? Lưu lượng nhỏ độc tố botulinum gây ngộ độc thực phẩm để lại hậu quả khôn lường - Ảnh 3.

Các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (chai, lọ, lon, hộp, túi) không đảm bảo an toàn dẫn tới có mặt một số loại vi khuẩn phát triển gây ngộ độc thực phẩm.

Độc tố botulinum gây ngộ độc thực phẩm tác động nguy hại tới sức khỏe như thế nào?

Cũng theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, độc tố botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, tuy nhiên nhanh chóng bị phá hủy khi nấu chín (do đó ngộ độc không xảy ra khi ăn thực phẩm mới nấu chín). Sau khi ăn, độc tố botulinum được hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ.

– Sau khi ăn thường khoảng 12-36 giờ (có thể tới 1 tuần sau ăn), bệnh nhân biểu hiện liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó tới hai chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm rãi ở họng, khó thở).

– Đặc điểm đặc trưng của liệt là liệt mềm, liệt đối xứng hai bên, lan xuống bắt đầu từ vùng đầu xuống chân. Đặc biệt bệnh nhân không có rối loạn cảm giác và bệnh nhân vẫn tỉnh táo (do độc tố không tác động lên não). Triệu chứng tiêu hóa có thể gặp buồn nôn, nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân tử vong.

– Trường hợp liệt hoàn toàn, nhiều bệnh nhân có giãn đồng tử, nên giống như hôn mê sâu, mất não mặc dù vẫn tỉnh và biết xung quanh (với điều kiện được cấp cứu, hồi sức hô hấp và không bị thiếu ô xy não).

– Trường hợp nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ giống như suy nhược, không thực hiện được các động tác gắng sức. Thời gian liệt kéo dài, trung bình thời gian thở máy ở các bệnh nhân là 2 tháng, có thể lâu hơn và cần nhiều tháng để hồi phục.

Ngộ độc thực phẩm do botulinum là ngộ độc đặc biệt, xảy ra không thường xuyên. Biểu hiện ngộ độc lại giống với nhiều bệnh khác như ngộ độc tetrodotoxin (như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh), viêm đa rễ dây thần kinh, nhược cơ… nên rất dễ nhầm.

Một số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm loại này cũng có thể bị bỏ sót khi liệt xuất hiện nhanh, không có người chứng kiến, khi phát hiện đã tử vong hoặc liệt nặng, không thể giao tiếp, do đó không thể kể lại loại thức ăn nghi ngờ và biểu hiện bệnh đặc trưng ở trên.

Biện pháp điều trị ngộ độc thực phẩm

Trên Báo Sức khỏe & Đời sống, chuyên gia chống độc Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm botulinum cần tập trung cấp cứu tình trạng suy hô hấp do liệt cơ, thở máy và hồi sức, phòng chống các biến chứng. Các bệnh nhân rất dễ gặp các biến chứng, đặc biệt nhiễm khuẩn bệnh viện, vẫn có thể tử vong.

Khi bệnh nhân bị liệt rõ, cần dùng thuốc giải độc đặc hiệu là giải độc tố botulinum. Thuốc nên được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định, giúp giảm nhẹ, rút ngắn thời gian thở máy, thời gian nằm viện và cải thiện tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên đây là loại ngộ độc thực phẩm xảy ra không thường xuyên, rất ít công ty muốn sản xuất và cung cấp thuốc này dẫn tới nguồn cung trên thị trường rất hiếm.

Clostridium botulinum là gì? Lưu lượng nhỏ độc tố botulinum gây ngộ độc thực phẩm để lại hậu quả khôn lường - Ảnh 4.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nặng, cần dùng thuốc giải độc đặc hiệu là giải độc tố botulinum. Ảnh: SKĐS

Cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà giúp giảm nhanh các triệu chứng

Theo bác sĩ chuyên khoa, xác định trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm, sau khi thực hiện các phương pháp sơ cứu, xử lý cũng như xác định được nguyên nhân gây ngộ độc, có thể tiến hành thực hiện các cách sơ cứu và xử lý ngộ độc thực phẩm tại nhà như sau:

Cho người ngộ độc thực phẩm nghỉ ngơi

Cho người bệnh nghỉ ngơi là cách xử lý ngộ độc thực phẩm tại nhà đơn giản nhất. Bởi khi ngộ độc, cơ thể có xu hướng trở nên mệt mỏi và yếu sức hơn. Do đó, việc nghỉ ngơi sẽ giúp người bệnh cảm thấy thư giãn và cải thiện tình trạng mệt mỏi. 

Cho người ngộ độc thực phẩm uống nhiều nước hoặc oresol

Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm tại nhà giúp nhanh chóng đẩy các chất gây độc ra khỏi cơ thể là cho người bệnh uống nhiều nước. Bên cạnh đó nên cho người bệnh uống oresol để bù điện giải. Có thể sử dụng canh hoặc súp để người bệnh dễ ăn và bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Cho người ngộ độc thực phẩm sử dụng men vi sinh

Men vi sinh hay Probiotic có tác dụng hiệu quả với việc cải thiện và tăng cường cho hệ miễn dịch và đường ruột. Do đó, để giảm thiểu tình trạng đau bụng, kích thích đường ruột và làm cân bằng hệ vi khuẩn sau ngộ độc, người bệnh có thể sử dụng men tiêu hóa ngay tại nhà.

Cho người ngộ độc thực phẩm sử dụng trà bạc hà

Người bị ngộ độc thực phẩm có thể sử dụng trà bạc hà giúp giảm các cơn buồn nôn, ói mửa, dịu dạ dày đồng thời giúp bổ sung nước cho cơ thể. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể uống trà mật ong hoặc nước gừng ấm để làm giảm các cơn đau bụng.

Trong trường hợp người bệnh nôn mửa không ngừng, cần nhanh chóng đưa tới các trung tâm y tế để được hỗ trợ.

Chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà bằng phương pháp dân gian

Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh cũng có thể thực hiện một số cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà để làm giảm các triệu chứng khó chịu như:

Nhai từ 2 – 3 tép tỏi tươi vì trong tỏi có tính kháng sinh tự nhiên có hiệu quả trong việc làm giảm các cơn đau bụng và ngăn ngừa tiêu chảy.

Uống từ 2 – 3 cốc nước chanh ấm có thể giúp bổ sung vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng, làm dịu dạ dày và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Uống nước ấm pha với giấm táo có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn gây hại và làm giảm các triệu chứng ngộ độc hiệu quả.

Ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?

Để chữa trị và khắc phục ngộ độc thực phẩm, người bệnh nên sử dụng các thức ăn nhạt, ít chất béo, lỏng và ít chất xơ. Điều này sẽ làm giảm các cơn buồn nôn cũng như tăng khả năng thực phẩm được “giữ” lại trong cơ thể.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, người bệnh nên sử dụng với các thực phẩm như:

Chuối.

Lòng trắng trứng.

Bột yến mạch.

Khoai tây.

Giấm táo.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm nên làm gì?

Cần chủ động thực hiện các phương pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm như sau:

Ưu tiên sử dụng các thực phẩm tươi sống, không bị dập nát, có nguồn gốc và chất lượng đảm bảo.

Tuyệt đối không được sử dụng đồ ăn đã quá hạn sử dụng, đồ ăn có mùi hoặc dấu hiệu ôi thiu.

Không nên bảo quản thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh và cũng không nên sử dụng các loại thực phẩm này để chế biến. Bởi các vi khuẩn gây hại hoàn toàn có thể sinh sôi và phát triển ngay cả trong điều kiện bảo quản của tủ lạnh.

Đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh trong quá trình nấu nướng. Ví dụ như không sử dụng chung thớt thái đồ ăn sống và đồ ăn chín, rửa sạch các dụng cụ nấu nướng…

Thực hiện nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”. Đặc biệt là với mẹ bầu đang trong thai kỳ hoặc phụ nữ đang trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. 

Với các tình trạng ngộ độc thực phẩm nhẹ hoặc xảy ra với người có sức khỏe tốt có thể áp dụng các cách chữa ngộ độc tại nhà để điều trị. Với các tình trạng ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện nghiêm trọng hoặc với các đối tượng là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… cần nhanh chóng đưa tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *