GĐXH – Tự làm thịt cóc ăn ở nhà, 3 trẻ em ở Gia Lai không may bị ngộ độc. Vụ ngộ độc khiến 1 em tử vong, 2 em phải nhập viện cấp cứu.
3 trẻ thương vong do ngộ độc thịt cóc
Theo Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), tại địa phương vừa xảy ra vụ ngộ độc thịt cóc khiến một em nhỏ tử vong, 2 em phải nhập viện cấp cứu.
Khoảng 10h ngày 11/1, các em: Siu N (11 tuổi), Siu H (4 tuổi) và Siu Th (5 tuổi) cùng trú thôn Tao Roong (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) rủ nhau làm thịt cóc ăn.
Đến khoảng 11h30, người nhà phát hiện các em nằm bất động trên nền nhà, tiểu tiện không tự chủ nên đưa đến Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cấp cứu.
Tại cơ sở y tế, các bác sĩ xác định em Siu N đã ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp, đồng tử giãn tối đa, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Sau 30 phút phút hồi sức tích cực, em N không qua khỏi.
Các em Siu H và Siu Th nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nôn ói… được các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc thịt cóc. Sau khi được các bác sĩ tiến hành cấp cứu tích cực, cả hai bệnh nhi tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp tục điều trị.
Sau khi xảy ra vụ việc, Trung tâm Y tế Chư Sê cũng đã cử người giám sát, điều tra, xác minh, nắm bắt tình hình và tuyên truyền cho dân trong làng biết về vụ ngộ độc trên.
Một trong số 3 em nhỏ bị ngộ độc thịt cóc đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: TL
Vì sao ăn thịt cóc bị ngộ độc?
Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), lâu nay, dân gian coi thịt cóc là thực phẩm bổ dưỡng cho người già, hỗ trợ điều trị trẻ em lười ăn, chậm lớn dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc…
Tuy vậy, khoa học đã chứng minh trong các tuyến dưới da, tuyến sau tai, tuyến trên mắt, trứng và gan cóc có chứa các độc tố như Bufotalin, Bufotenin, Bufotonin, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin. Do đó, nếu trong quá trình chế biến, các chất này còn lưu lại trên thịt cóc thì sẽ gây ngộ độc, rất nguy hiểm.
Trên Báo Dân trí, TS.BS Hà Thị Bích Vân (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cảnh báo: “Trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh cóc có chứa rất nhiều chất độc, đặc biệt là chất độc bufotoxin. Đây là một chất cực độc, bền với nhiệt, có thể gây rối loạn nhịp tim và tử vong trong thời gian rất ngắn.
Các độc tố trong cóc được hấp thu qua đường tiêu hóa. Vì thế, khoảng 1-2 giờ sau khi ăn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đầu tiên như chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội… có thể bị tiêu chảy.
Sau đó, nạn nhân có thêm các triệu chứng như chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim và các triệu chứng khác.
Thịt và mỡ của cóc tuy không có độc nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến thì vẫn có thể bị chất độc từ các bộ phận khác dính vào. Ngộ độc thịt và trứng cóc tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao”, TS.BS Hà Thị Bích Vân cho hay.
Còn TS.BS Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc Trung tâm chống độc) nhận định, trong quá trình chế biến cóc, rất dễ gây vỡ các tuyến nọc độc của cóc. Vì chất độc của cóc có trong nhựa cóc (là dịch tiết màu trắng đục) có “chi chít” ở các tuyến dưới da và mang tai.
Đó là lý do nhiều trường hợp ngộ độc thịt cóc dù đã bỏ hết da, nội tạng, trứng cóc. Trong nọc cóc có những thành phần rất độc với hệ thần kinh và đặc biệt là tim. Tỷ lệ tử vong của loại ngộ độc này rất cao, có những bệnh nhân tử vong ngay tại nhà hoặc trên đường tới bệnh viện.
“Độc tố rất dễ dính vào vùng thịt, khi ăn vẫn xảy ra ngộ độc như thường”, TS Nguyên nói.
Ăn thịt cóc rất nguy hiểm.
Triệu chứng và cách xử trí ngộ độc thịt cóc
Triệu chứng ngộ độc thịt cóc
Chất nhầy bài tiết của cóc có thể gây ra hiện tượng rát bỏng, sưng phồng tại một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng…
Độc tố này được hấp thụ rất nhanh qua đường tiêu hóa, triệu chứng ngộ độc thường xảy ra khoảng 1 giờ sau khi ăn, sớm hơn là từ 15 – 30 phút.
Ban đầu, nạn nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân. Kế đến là ói mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp.
Sau đó xuất hiện các triệu chứng giống bệnh suy tim như loạn nhịp tim… nặng hơn là tử vong ngay sau vài giờ.
Cách xử trí khi bị ngộ độc thịt cóc
Người bị ngộ độc khi ăn thịt cóc có tỷ lệ tử vong rất cao bởi độc tố trong cóc. Do đó cần phát hiện sớm và thực hiện các biện pháp sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế.
Trường hợp người bệnh có dấu hiện ngộ độc sớm còn tỉnh táo: Cần gây nôn chủ động, đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở để cấp cứu.
Ăn thịt cóc thế nào để tránh ngộ độc?
Theo các chuyên gia y tế, để tránh ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc, người dân chỉ nên sử dụng các chế phẩm thịt cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.
Không sử dụng cóc tía (cóc có mắt màu đỏ) để ăn. Chỉ dùng thịt, xương để chế biến thành thực phẩm và sơ chế thịt cóc theo đúng quy trình (cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch).
3 bé gái ngộ độc thịt cóc
Bắt được một con cóc làm thịt rồi chiên ăn, khoảng hơn 30 phút sau, hai bé 9 tuổi và cô chị 10 tuổi ở Tiền Giang có triệu chứng nôn ói, chóng mặt và đau đầu.